TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
TỈNH NINH THUẬN
Số: 34 /KH-LĐLĐ.
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Ninh Thuận; ngày 30 tháng 12 năm 2011.
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ VÀ ĐẠI HỘI
CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRỰC TIẾP CƠ SỞ
Thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa X và Hướng dẫn số 703/HD-TLĐ, ngày 06/5/2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Ninh Thuận hướng dẫn kế hoạch tổ chức đại hội đối với công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
– Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động của Công đoàn; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, nhằm tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động vào tổ chức Công đoàn.
– Đại hội công đoàn các cấp phải là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, rộng rãi của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Qua đó, đánh giá đúng thực trạng tình hình phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn; là diễn đàn để đoàn viên bày tỏ tâm tư nguyện vọng, tham gia ý kiến xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.
– Kiểm điểm làm rõ những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn cấp mình nhiệm kỳ qua, nghị quyết đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp và Nghị quyết Đại hội VIII Công đoàn tỉnh, từ đó quyết định nội dung, chương trình hoạt động nhiệm kỳ tới.
– Lựa chọn, bầu cử vào ban chấp hành công đoàn các cấp những người có đủ trình độ, năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; Có tâm huyết, nhiệt tình, có uy tín để đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của quần chúng, dám đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
– Bầu các đại biểu tiêu biểu trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn đi dự đại hội đại biểu công đoàn cấp trên.
II- NỘI DUNG ĐẠI HỘI:
1. Thảo luận thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đại hội và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nhiệm kỳ tới:
Báo cáo là văn kiện quan trọng của đại hội, ban chấp hành công đoàn các cấp cần phải chuẩn bị chu đáo, có chất lượng để trình đại hội, trong quá trình chuẩn bị cần lưu ý các vấn đề sau:
– Phải căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của nghị quyết đại hội nhiệm kỳ trước để đánh giá đúng thực trạng phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn; Phân tích làm rõ những kết quả đạt được và khuyết điểm, yếu kém trong việc triển khai, thực hiện nghị quyết đại hội. Cần chú trọng đánh giá nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn, mối quan hệ với cấp ủy Đảng, chính quyền đồng cấp trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Công đoàn.
– Căn cứ vào nghị quyết của Đảng cùng cấp và nghị quyết đại hội công đoàn cấp trên, để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ của công đoàn cấp mình cho thiết thực, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương. Đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ; Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; Tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ mọi mặt cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
2. Thảo luận, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng báo cáo của công đoàn cấp trên:
Báo cáo của đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp được gửi xuống để thảo luận và lấy ý kiến của đại hội công đoàn cấp dưới. Nội dung lấy ý kiến cần tập trung vào những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và đặc biệt là đề xuất các giải pháp cho hoạt động công đoàn hiệu quả, thiết thực hơn.
3. Bầu ban chấp hành công đoàn:
Về số lượng, hình thức, nguyên tắc, thủ tục, quy trình bầu cử ban chấp hành công đoàn phải thực hiện đúng quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa X) và Hướng dẫn số 703/HD-TLĐ, ngày 06/5/2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đại hội cần lựa chọn những cán bộ, đoàn viên ưu tú, có năng lực, trình độ, nhiệt tình, tâm huyết vào ban chấp hành, thay mặt đại hội lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Công đoàn nhiệm kỳ tới.
– Tiêu chuẩn chung của ban chấp hành:
+ Có bản lĩnh chính trị, nhiệt tình, tâm huyết với công tác công đoàn; Có uy tín, được đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tín nhiệm, có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công chức, viên chức, lao động; Có khả năng đoàn kết, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động vào tổ chức Công đoàn.
+ Có năng lực, có tinh thần trách nhiệm, điều kiện tham gia, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong hoạt động công đoàn; am hiểu tình hình sản xuất kinh doanh, công tác của doanh nghiệp, cơ quan; có kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật; có kỹ năng hoạt động công đoàn.
+ Có sức khỏe, đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, không cục bộ bản vị, không cơ hội, không lãng phí, tham nhũng và bao che cho tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng và lãng phí.
Trên cơ sở tiêu chuẩn chung, công đoàn các cấp căn cứ vào tình hình đặc điểm của đơn vị, địa phương, ngành mình mà vận dụng cho phù hợp. Công tác nhân sự và tổ chức bầu cử phải đảm bảo dân chủ, không được gò bó, áp đặt.
– Cơ cấu ban chấp hành công đoàn các cấp:
Cơ cấu ban chấp hành phải hợp lý, thiết thực, bao gồm: cán bộ chủ chốt của công đoàn cấp dưới trực tiếp, cán bộ làm công tác quản lý, đoàn viên ưu tú; Đảm bảo tiêu chuẩn, có sự kế thừa và trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đủ tuổi để tham gia hết nhiệm kỳ. Tránh cơ cấu hình thức, tránh đưa vào ban chấp hành những người không có điều kiện tham gia sinh hoạt và hoạt động của ban chấp hành.
– Số lượng ủy viên ban chấp hành:
Số lượng ủy viên ban chấp hành cấp nào, do đại hội công đoàn cấp đó quyết định, nhưng không vượt quá quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, cụ thể như sau:
+ Ban chấp hành công đoàn bộ phận: không quá 05 ủy viên.
+ Ban chấp hành công đoàn cơ sở: không quá 15 ủy viên (số lượng ủy viên ban thường vụ không quá 1/3 số lượng ban chấp hành, trong đó có chủ tịch và phó chủ tịch. Nơi nào cần thiết có từ 02 phó chủ tịch trở lên phải được công đoàn cấp trên đồng ý).
+ Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: không quá 25 ủy viên. LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn Ngành, Công đoàn Các khu Công nghiệp căn cứ tình hình thực tế để cơ cấu số lượng ủy viên ban chấp hành cho hợp lý.
4. Bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên:
– Lựa chọn những cán bộ, đoàn viên có phẩm chất, có năng lực tiêu biểu trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn, đại diện cho tiếng nói, tình cảm của đoàn viên, công nhân, viên chức và lao động; Có khả năng lĩnh hội, đóng góp vào các nghị quyết và thành công của đại hội.
– Bảo đảm cơ cấu hợp lý, phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; Cần quan tâm đến cơ cấu đoàn viên trẻ tiêu biểu, đại biểu là nữ…
– Thành phần đại biểu: Đại biểu đương nhiên (ủy viên ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập), đại biểu do đại hội cấp dưới bầu lên và đại biểu do ban chấp hành cấp triệu tập chỉ định (số lượng đại biểu chỉ định không quá 3% tổng số đại biểu chính thức được triệu tập).
– Số lượng đại biểu chính thức của đại hội công đoàn các cấp do ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội quyết đinh theo quy định tại Hướng dẫn số 703/HD-TLĐ, ngày 06/5/2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
III- THỜI GIAN, HÌNH THỨC TỔ CHỨC ĐẠI HỘI:
1. Hình thức, thời gian đại hội:
– Đối với công đoàn bộ phận: Đại hội toàn thể, tổ chức trong 01 buổi, vào quý II, năm 2012.
– Đối với công đoàn cơ sở: Căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị và Điều lệ Công đoàn quy định để tổ chức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu; Thời gian tổ chức không quá 01 ngày, vào quý II và quý III, năm 2012.
– Đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Tổ chức đại hội đại biểu, thời gian tổ chức không quá 1,5 ngày, vào quý IV năm 2012.
– Đại hội Công đoàn tỉnh dự kiến tổ chức vào quý II năm 2013, sẽ có kế hoạch riêng.
2. Công tác chuẩn bị:
– Ban chấp hành công đoàn các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội, kế hoạch phân bổ đại biểu (đối với đại hội đại biểu); đề án nhân sự bầu ban chấp hành, bầu đoàn đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên; đề ra những việc cần làm, nội dung, các bước tiến hành, thành lập ban tổ chức đại hội và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên ban chấp hành.
– Báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng (nơi có tổ chức Đảng), công đoàn cấp trên trực tiếp và thông báo cho lãnh đạo doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan biết để tạo điều kiện và phối hợp tổ chức, nhằm bảo đảm sự thành công của đại hội.
3. Tổ chức đại hội:
– Đại hội được tiến hành từ công đoàn bộ phận trở lên để bàn nội dung, chương trình hoạt động, tham gia góp ý kiến vào báo cáo đại hội công đoàn; bầu ban chấp hành công đoàn các cấp, bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên.
– Đối với công đoàn cơ sở có dưới 150 đoàn viên thì tổ chức đại hội toàn thể đoàn viên. Trường hợp có từ 150 đoàn viên trở lên, nếu đoàn viên yêu cầu tổ chức đại hội toàn thể thì do công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định.
– Đối với công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận có từ 150 đoàn viên trở lên thì tổ chức đại hội đại biểu. Trường hợp công đoàn cơ sở có dưới 150 đoàn viên nhưng do điều kiện làm việc phân tán, lưu động khó khăn trong việc tổ chức đại hội toàn thể thì có thể tổ chức đại hội đại biểu khi được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý (nhưng số đại biểu chính thức dự đại hội không ít hơn 1/3 tổng số đoàn viên của đơn vị).
– Số lượng đại biểu chính thức dự đại hội công đoàn cơ sở do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, nhưng không quá 150 đại biểu. Trường hợp đặc biệt, nếu cần phải tăng thêm số lượng đại biểu chính thức phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý và số đại biểu tăng thêm không vượt quá 10% so với quy định trên.
– Việc bầu cử ban chấp hành, bầu đoàn đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên phải bảo đảm thực sự dân chủ. Trước khi tổ chức đại hội, ban chấp hành phổ biến tiêu chuẩn và tổ chức để đoàn viên giới thiệu, đề cử, tổ chức thăm dò ý kiến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các bộ phận có liên quan để ban chấp hành chuẩn bị danh sách giới thiệu nhân sự.
IV. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN:
– Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, Công đoàn Ngành, Công đoàn Các khu Công nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức, chỉ đạo đại hội công đoàn giáo dục cấp huyện, công đoàn cơ sở trực thuộc và đại hội công đoàn cấp mình. Tổ chức chỉ đạo đại hội điểm rút kinh nghiệm, phân công cán bộ giúp công đoàn cơ sở tiến hành đại hội.
– Ban thường vụ công đoàn cấp trên trực tiếp cần tập trung chỉ đạo, phân công cán bộ giúp đỡ các công đoàn cơ sở đại hội lần đầu, những đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, công đoàn cơ sở khu vực kinh tế ngoài nhà nước tổ chức đại hội. Những nơi tổ chức chưa ổn định phải kiện toàn và ổn định tổ chức trước khi tiến hành đại hội.
– Các ủy viên thường vụ LĐLĐ tỉnh được phân công phụ trách địa bàn cần bám sát, hướng dẫn, giúp đỡ địa bàn mình phụ trách chỉ đạo tổ chức đại hội bảo đảm đúng nội dung, hình thức, thời gian kế hoạch đề ra.
Trong quá trình triển khai thực hiện, có điều gì vướng mắc, chưa rõ, báo cáo về Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh (qua Công tác Cơ sở) để được hướng dẫn.
Nơi nhận:
- Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ VN;
- Ban Dân Vận, Ban Tổ chức, Văn phòng Tỉnh ủy;
- Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh;
- Các Ban LĐLĐ tỉnh;
- CĐ Ngành, CĐ Các KCN, LĐLĐ huyện, thành phố;
- Lưu VP – Ban CTCS LĐLĐ tỉnh.
|
|
TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Kiều Đình Minh
|