LIÊN KẾT WEBSITE
Tham dò ý kiến
Bạn nhận xét thế nào về Trang thông tin điện tử Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Thuận ?
        CHÀO MỪNG 32 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH (01/4/1992-01/4/2024) VÀ 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH NINH THUẬN (16/4/1975-16/4/2024), GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2024)!
TIN TỨC & SỰ KIỆN
Giữ lại Điều 10 trong Hiến pháp - nguyện vọng không chỉ của người lao động và Công đoàn
24/09/2013
Tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam (7.2013), Tổng hợp kiến nghị của công chức, viên chức, công nhân lao động (CNLĐ) và tổ chức Công đoàn được trình bày tại Đại hội đã nêu rõ: Đề nghị Quốc hội xem xét giữ lại Điều 10 trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như dự thảo đưa ra xin ý kiến đóng góp của nhân dân.
    Điều này đã được Hiến pháp khẳng định trong suốt 55 năm qua và khẳng định bản chất giai cấp của Đảng, vị trí, vai trò nòng cốt đi đầu của giai cấp công nhân trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

      Điều 10 thể hiện thái độ chính trị của Đảng, Nhà nước

      Hiến pháp (HP) của bất kỳ quốc gia nào cũng đều mang hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền, nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp đó. Mặc dầu để ổn định, phát triển KT-XH, HP phải tạo được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Về Công đoàn (CĐ), tất cả các nước trên thế giới, dù thể chế chính trị khác nhau nhưng đều phải thừa nhận, tôn trọng và tạo điều kiện để CĐ hoạt động. Trong HP của nhiều nước trên thế giới có điều khoản riêng về CĐ, chẳng hạn như HP của Hy Lạp có Điều 12, HP của Thụy Điển có Điều 17, HP của Bồ Đào Nha có Điều 55... Mặc dù ở các nước này, CĐ chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp, chứ không phải là tổ chức chính trị xã hội như Việt Nam.

      Tại Việt Nam, có Điều 10 riêng về CĐ sẽ đáp ứng được mong mỏi của gần một chục triệu đoàn viên CĐ trên 15 triệu CNLĐ. Hơn thế, theo PGS-TS Dương Văn Sao - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn Việt Nam - cần có điều riêng về CĐ trong HP là vì Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất GCCN đang lãnh đạo cách mạng. HP có điều riêng về CĐ chính là thể hiện bản chất GCCN của Đảng, là để Đảng duy trì và giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo cách mạng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

       Việc CĐ đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ ngày càng trở nên cấp bách và quan trọng, để xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, PGS.TS Dương Văn Sao khẳng định, nếu sửa đổi HP lần này không có Điều 10 thì không chỉ là bước lùi về sự tiến bộ của HP, mà còn hạ thấp vai trò, vị trí pháp lý của CĐVN trong giai đoạn mới, trong khi thực tế đang đòi hỏi CĐ ngày càng phải phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí to lớn của CĐ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

       CĐ là "mắt xích" truyền lực giữa Đảng và NLĐ

      Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp sửa đổi HP 1992, hầu hết CNVCLĐ và cán bộ CĐ cả nước đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung những quy định về CĐVN trong HP là vấn đề rất hệ trọng, là căn cứ, điều kiện pháp lý cho tổ chức và hoạt động CĐ. Việc sửa đổi đó, nếu có, thì phải phù hợp với sự phát triển KT-XH đất nước và yêu cầu xây dựng, phát triển GCCN trong thời kỳ mới. Còn nếu bỏ Điều 10 quy định về CĐ trong HP là điều không thể chấp nhận được, bởi nó làm suy yếu địa vị pháp lý của GCCN và tổ chức CĐ.

      Ông Mai Đức Đề - Chủ tịch CĐ Tổng Cty Công nghiệp Ximăng Việt Nam - đã đề nghị Ban soạn thảo đệ trình Quốc hội giữ Điều 10 trong HP vì vai trò của  tổ chức CĐ là không thể thiếu được. Ông Đề còn nhấn mạnh, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phải có tiếng nói với Quốc hội, Chính phủ về giữ Điều 10 trong HP.  Ông Nguyễn Văn Khải - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM -  nói lên suy nghĩ giữ Điều 10 trong HP là hợp lý vì CĐ là tổ chức của GCCN, đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Chủ tịch LĐLĐ Quảng Bình Lê Thuận Văn kiến nghị giữ nguyên Điều 10 HP vì Đảng Cộng sản là đội tiên phong của GCCN, GCCN là giai cấp lãnh đạo mà CĐ là tổ chức của GCCN. Thực tế cũng cho thấy CĐ có vai trò, vị trí khác hơn các tổ chức chính trị, xã hội khác.

     Theo các đóng góp cũng như ý kiến của đoàn viên CĐ, CNVCLĐ, nếu không có Điều 10 trong HP sẽ không thể hiện rõ được vai trò hết sức quan trọng của CĐVN. Điều này sẽ làm ảnh hưởng và tổn hại trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng, tổn hại đến sức mạnh của hệ thống chính trị của dân, do dân, vì dân. Bởi CĐ là “mắt xích” truyền lực giữa Đảng với CNLĐ. Nếu “mắt xích” này không được quan tâm thì mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước không thể đến được với đông đảo quần chúng CNLĐ, và không thể trở thành hiện thực sinh động trong đời sống xã hội.

      Nguyên Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm: Cần giữ nguyên Điều 10 Hiến pháp quy định về Công đoàn - thành viên chủ chốt của mặt trận

      Tại Hội nghị lần thứ 11, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) diễn ra đầu tháng 7.2013, Mặt trận đã công bố, cả nước đã có 8.071.919 ý kiến góp ý vào hầu hết các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, kể cả về bố cục, hình thức và ngôn ngữ. Trong đó, có 3.181.529 lượt người tham gia đóng góp ý kiến thông qua Ủy ban MTTQ các cấp và 5 tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của mặt trận, trong đó có tổ chức CĐ. Theo phát biểu của ông Huỳnh Đảm (khi đó là Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN) tại hội nghị, qua những kiến nghị của Uỷ ban T.Ư MTTQVN trên cơ sở tập hợp, tổng hợp ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nghiêm túc tiếp thu, nhất là những kiến nghị liên quan đến Điều 9 Hiến pháp về MTTQVN và Điều 10 về tổ chức CĐ. “Ủy ban T.Ư MTTQVN đến nay vẫn kiên trì với kiến nghị bổ sung các nội dung trên vào Điều 9 Hiến pháp quy định về MTTQVN và giữ nguyên Điều 10 quy định về CĐ - một tổ chức thành viên chủ chốt của mặt trận” - ông Huỳnh Đảm khẳng định tại hội nghị.

      PGS-Trung tướng Lê Minh Vụ - nguyên Uỷ viên Hội đồng lý luận T.Ư: Ý kiến bỏ Điều 10 trong Hiến pháp là sai lầm!

       Gần đây, tôi được biết, khi tham gia góp ý cho bản dự thảo Hiến pháp, có một số ý kiến cho rằng, nên bỏ Điều 10 nói về CĐ trong bản dự thảo, theo tôi là rất sai lầm. Không chỉ bản Hiến pháp năm 1959 đến nay và các bản Hiến pháp khác đều có đề cập CĐ, mà nếu nghiên cứu sâu hơn, chúng ta sẽ thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến vấn đề này ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước.  Sau khi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu Tổng Liên  đoàn Lao động Pháp giúp đỡ cho công nhân, lao động Đông Dương thành lập tổ chức Công hội. Từ đó, trong suốt quá trình vận động để thành lập một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng hình thành nên những lý luận về tổ chức Công hội, tức CĐ hiện nay. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” xuất bản năm 1927, Người đã đề ra 5 nhiệm vụ, chức năng của Công hội Việt Nam. Trả lời câu hỏi đặt ra là “Tổ chức Công hội làm gì?”, Bác viết: “Tổ chức Công hội để công nhân đi lại cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là giúp cho quốc dân, giúp cho quốc tế”. Người còn giải thích rõ: “Giữ gìn quyền lợi là khi hội đã có thế lực rồi thì đòi thêm tiền công, giảm bớt giờ làm... Giúp cho quốc dân và thế giới là đem lực lượng thợ thuyền cách mệnh làm cho ai cũng được bình đẳng, tự do như thợ thuyền Nga đã làm năm 1917”.

      CĐ Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khai sinh và lãnh đạo hơn 80 năm qua, một lực lượng không thể thiếu đối với đời sống xã hội Việt Nam. Nếu Hiến pháp lần này không đề cập thì vô hình trung, đó là một sự xem nhẹ, hạ thấp vai trò của CĐ, cần phải khắc phục. Đó là chưa kể cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì vai trò của giai cấp công nhân ngày càng tăng, không thể thiếu vắng lực lượng CĐ được.

      Xét ở góc độ kinh nghiệm quốc tế thì tôi được biết, Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới đều có các điều khoản riêng quy định về CĐ. Bản Hiến pháp của chúng ta không có thay đổi gì về mục tiêu con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng như vai trò giai cấp công nhân thì không có lý do gì thay đổi nội dung về CĐ trong Hiến pháp.

Nguồn: http://laodong.com.vn
CÁC TIN KHÁC
Quay lại trang trước
Hiển thị kết quả trong 1-8 (of 893)
 |<  < 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10  >  >| 
ÐON VỊ TRỰC THUỘC
Hệ thống QLVB & ĐH
Hệ thống QLVB và Điều hành E-Office
THÔNG BÁO - MỜI HỌP
541 khách
36237078 khách